Let's go to 9A
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở PY - Đầm Ô Loan

Go down 
Tác giảThông điệp
Sissy Kiss
Phụ trách Club Ngữ Văn
Phụ trách Club Ngữ Văn
Sissy Kiss


Tổng số bài gửi : 607
Age : 30
Đến từ : Vénus
Registration date : 14/04/2008

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở PY -  Đầm Ô Loan Empty
Bài gửiTiêu đề: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở PY - Đầm Ô Loan   Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở PY -  Đầm Ô Loan Icon_minitimeWed Apr 20, 2011 8:13 pm

Phú Yên – quê hương tôi – được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với những vũng, vịnh, đầm, hồ nằm sát quốc lộ 1A có vẻ đẹp thơ mộng, làm xao động bao du khách đến thăm như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, Vũng Lắm,… Một trong những di tích thắng cảnh nổi tiếng được đồng bào cả nước biết đến là Đầm Ô Loan.
Theo các bô lão địa phương thì tên Ô Loan lấy từ chữ chim Ô (quạ) và chim Loan, nhưng chẳng hiểu nguyên do vì đâu mà có tên địa danh Ô Loan, và xuất hiện từ khi nào! Theo địa bạ triều Nguyễn, thì Ô Loan đàm tức đầm Ô Loan có tên là Tân Túy ấp. Còn theo nhà địa lý Lê Bá Thảo, tác giả sách “Việt Nam thiên nhiên” thì đầm Ô Loan được mô tả như sau: “Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống thế đất phía nam Ô Loan giống như con chim phượng đang sải cánh, còn trên bản đồ thì Ô Loan giống như con thiên nga thong thả bay…”. Có lẽ cổ nhân cũng tương đồng quan điểm qua góc độ tưởng tượng ra con chim quạ và chim loan chăng?
Ô Loan, tiếng Hán có nghĩa là một chỗ nước chảy quanh có có hình con chim quạ. Thật vậy, đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như chim đang xòe cánh. Có lẽ vì thế mà đầm có tên gọi như vậy.
Riêng đối với người người dân Phú Yên, họ còn có cách giải thích khác. Đầm Ô Loan là nơi mà nàng tiên Loan cưỡi quạ bay ngang qua thấy cảnh đẹp nên đáp lại để xem. Tình cờ lưu luyến tình cảm với anh trai cày mà không muốn về trời, tình nguyện ở lại nơi cõi trần mà kết duyên với chàng trai. Sau này người ta ghép tên nàng với tên quạ lại gọi là Ô Loan.
Đầm Ô Loan nằm cạnh chân đèo Quán Cau, phía bắc đầm giáp xã An Ninh Đông ở hai thôn Tân Long và Phú Sơn, phía nam giáp xã An Hoà ở thôn Diên Hội và xã An Hải ở tại các thôn Đồng Môn, Tân Qui, Xuân Hoà, phía tây giáp xã An Hiệp tại thôn Mỹ Phú và Phú Tân. Như vậy, đầm Ô Loan bao bọc chung quanh bởi 5 xã và 10 thôn làng. Đầm cách thành phố Tuy Hoà khoảng 25 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.
Đây là đầm nước lợ do đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên, có diện tích tự nhiên khoảng 1.570 ha, rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét. Do thế đất đồi là đất sỏi nhớt nên mùa mưa làm xói lở, kéo theo lượng phù sa khá lớn bồi lắng lòng đầm. Do vậy, lòng đầm chỗ sâu nhất khoảng 6 mét, chỗ cạn, thường là ven bờ, khoảng trên 1 mét. Riêng phía trên cửa Lễ Thịnh thuộc địa phận An Hải mực nước sâu tới 10 mét. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Nước đầm lúc nào cũng trong xanh và phẳng lặng, nên có câu ca:
“Lẻ loi như cụm núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan.”
Tuy vậy, khi đứng trên đỉnh đèo Quán Cau, du khách phóng tầm nhìn bao quát khắp cả vùng thì đầm Ô Loan như một mặt hồ rộng yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt…Nhìn từ phía nam, đầm Ô Loan giống như chim phượng hoàng đang xoải cánh, còn trên bản đồ Ô Loan giống con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời cao xanh thăm thẳm.
Cũng từ đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống, khi tầm mắt chạm vào núi Từ Bi có một doi đất chảy ra đầm Ô Loan. Núi Từ Bi là một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, có con suối cùng tên Từ Bi, bắt nguồn từ hòn Chồng. Suối chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi đổ ra đầm, tạo nên cảnh quan thơ mộng.
Từ mạn Tây Bắc chạy ra tới An Ninh Đông là bãi cát vàng óng, có rừng phi lao chạy dài theo men bờ nước, xưa kia là nơi trú ẩn của các loài chim thú như le le, chàng bè, bồ nông, cò, diệc và nhiều nhất là vịt nước. Chúng sinh sống thành từng đàn, bắt cá dưới lòng đầm.
Khi đứng ngắm mặt đầm buổi bình minh, du khách dễ có những tưởng tượng, rằng các dãy đồi phía Đông-Nam như hình dáng con chim khổng lồ đang chuẩn bị cất cánh bay lên trời cao lộng gió và nắng. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống, lại thấy cánh chim xoải rộng như đang xoè đậu bên cạnh mặt hồ lăn tăn gợn sóng… Đây không phải là ảo giác mà chỉ vì quanh đầm có những ghềnh đá nhô xa ra ngoài đầm tạo thành những mỏm mới thoạt nhìn có nhiều hình dạng khác nhau tuỳ theo nhãn quan và tâm trạng mỗi người trong từng thời điểm khác nhau: như mỏm Cây Sanh có lúc như cánh chim vươn cao, lúc nhìn như tà áo lụa xanh bay lất phất trong nắng sớm.
Có lẽ chính bởi thế núi đồi, vị trí của đầm nên nhiều tao nhân mặc khách đã không tiếc lời ngợi ca qua nhạc hoạ thơ văn, mà tiêu biểu là nhà thơ Xuân Diệu khi đứng nhìn mặt đầm đã thốt lên:
“Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan.
Nước trời cùng với mây liên hoàn
Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở
Khí mát lan bay sắc đẹp tràn
Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên
Lục thêu cùng biếc với xanh lam
Sắn khoai sức tốt phây phây lượn
Mía bắp trông xa một sắc liền....”
Dung dị và mộc mạc hơn, trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao đánh dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Phú Yên và riêng của Lê Thành Phương, người anh hùng của quê hương đã ngẩng cao đầu trước lưỡi gươm kẻ thù:
“Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương
Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.”
Đầm Ô Loan nhận nước của một phân lưu sông Cái chảy vào đồng thời đưa nước ra biển Đông bằng một cừa lạch nhỏ, chỗ sâu nhất chừng 3-4 m. Chung quanh đầm có nhiều núi non bao bọc, nhiều ghềnh đá nhỏ ra mép nước. Tuy nhiên, chỉ có chừng 1 km bãi cát ở phía bắc thôn Phú Sơn, còn hầu hết bờ đầm là đất bùn.
Về phía tây đầm nhiều ngọn núi tiếp nối nahu tạo nên đèo Quán Cau, phía đông có mả Cao Biền mà người địa phương xem như “linh địa”, vì:
“Cao Biền chết tại Đồng Môn
Trên sơn dưới thủy trời chôn Cao Biền.”
Và, người địa phương còn có câu hát:
“Ngó ra ngoài mả Cao Biền
Thấy đôi chim nhạn đang chuyền cành mai
Cây oằn vì bởi trái sai
Xa em vì bởi ông mai ít lời.”
Mả Cao Biền là một cồn cát cao, nằm sát biển, ngày càng được nâng cao do gió và sóng biển vun đắp, đứng trên đèo Quán Cau vẫn trông thấy rõ. Đó có phải là mả Cao Biền thật không, thì xưa nay chẳng thấy ai giải thích.
Nếu về thăm đầm Ô Loan, du khách có thể dùng thuyền đi chơi mặt đầm một cách thích thú bởi đầm cận và lặng sóng. Trong đầm còn có nhiều rạn đá lô nhô chìm dưới nước, hàu cứ bám vào đó mà sinh sống. Những người làm nghề bắt hàu đã quen nhưng lắm lúc cũng e ngại:
“Một lần cho tởn tới già
Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân.”
Đầm là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loại thủy sản. Do đó, đầm có 82 loài tôm, cá và hơn 50 loài giáp xác, nhuyễn thể như cua, ghẹ, sò huyết, hàu, ngao, vẹm xanh...
Dân gian có câu: "Chưa ăn sò huyết, chưa biết Hà Tiên" để khen ngợi chất lượng sò huyết ở vùng đất này. Thế nhưng, với những người sành ẩm thực có dịp thưởng thức sò huyết đầm Ô Loan thì ghiền hơn cả. Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trước đây, sò huyết Ô Loan không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan…
Sò huyết ở Ô Loan có quanh năm. Người dân đánh bắt rất thủ công, đó là dậm bằng hai chân, trúng con nào thì khom lượm con ấy. Nếu thích, chờ khi thủy triều xuống, du khách cũng có thể tự mình lặn tìm những con sò huyết ẩn mình dưới tầng nước xanh trong. Thường được dùng để chế biến các món: gỏi, nướng, hấp, hoặc nấu cháo.
Sò ở đây con nào con nấy béo mẫm, thịt rất ngon chẳng thua kém gì sò Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) hay sò Thủy Triều (Cam Ranh). Chính vì thế nên nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết:
“Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp
Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.”
Hàu được xem là một loại hải sản đặc biệt của vùng sông nước Ô Loan. Có lẽ vì thế mà ngày xưa khi dừng chân ở Phú Yên, thi sĩ Tản Đà, bậc thầy về khoa ẩm thực, đã thốt lên: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu!”. Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ (tháng 3-4 âm lịch). Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ (tháng 3-4 âm lịch).
Hàu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: nhúng giấm ăn liền, um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn phải là món cháo. Ngon nhất nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống, cùng với một số gia vị thông thường. Cũng nấu như các loại cháo khác nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị hải sản riêng.
Cháo hàu được ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày: điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội phải nói ngon hơn lúc nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm đà, người ăn có cảm giác như mình đang ăn một loại hải sâm quí hiếm. Đặc biệt là sự thơm ngon bổ dưỡng với hàm lượng canxi cần thiết cho cơ thể trong quá trình lao động, sinh hoạt.
Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp.
Những câu ca từ bao đời nay truyền tụng trong dân gian nơi đây còn hơn những tấm bia đá khắc ghi dấu son chói lọi đó của lịch sử vùng đất này. Cảnh vật Ô Loan càng hữu tình hơn khi cứ mỗi độ xuân về vào ngày 7 tháng giêng những người dân chài nơi đây lại tổ chức lễ hội tưng bừng, náo nhiệt với nhiều hoạt động phong phú mang đậm chất văn hoá vùng sông nước Tuy An - Phú Yên, mà đặc sắc nhất là hội đua thuyền tổ chức ngay trên mặt đầm Ô Loan, thu hút không chỉ người dân trong vùng mà cả đông đảo du khách Tuy Hoà ra, Sông Cầu vào. Hội đua thuyền đầm Ô Loan là lễ hội mới hình thành trong những năm gần đây, trên cơ sở các cuộc đua thuyền trong lễ cầu ngư của người dân vùng biển Phú Yên.
Lễ hội đầm Ô Loan có tính chất truyền thống mang nét đặc trưng của văn hoá dân gian vùng duyên hải miền Nam Trung bộ của người Việt, mới ổn định vào khoảng 300 đến 400 năm trở lại đây, chủ yếu của cư dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Lễ hội đầm Ô Loan có nét riêng về vùng sông nước Tuy An - Phú Yên với mong muốn cầu cho một năm trời im, sóng lặng, khai thác được nhiều tôm, cá, hải sản, song cũng mang những nét chung của văn hoá dân gian Việt Nam.
Lễ hội đầm Ô Loan không chỉ đơn thuần là việc tổ chức vui chơi giải trí trong ngày xuân, mà người xưa còn gắn vào đó nhiều ý niệm như: tín ngưỡng, thờ các thần, phản ánh đời sống lao động sản xuất nông nghiệp, sự khai thác kinh tế tự nhiên ở vùng đầm, hồ... cầu mong cho các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn đạt kết quả tốt đẹp vào một năm mới đến.
Không gian của lễ hội ở hai bên bờ khúc quanh của đầm. Xung quanh đầm rộng lớn là đồi núi bao bọc, non nước hữu tình và trên mặt đầm, nước "thản nhiên" phẳng lặng.
Lễ hội đầm Ô Loan xưa diễn ra trong không gian thôn dã, thành phần tham dự gồm: nông dân, ngư dân, thợ thủ công, cư dân khai thác kinh tế tự nhiên, quăng chài, kéo lưới, đánh bắt tôm cá... với những phương tiện thực hiện là: thuyền, ghe, xuồng, chài, lưới, trên một số ghe lớn trang trí rồng phượng, trang nghiêm, tôn kính. Các trò chơi diễn ra trong lễ hội xưa là quăng chài đánh cá, mở mắt bắt vịt, bơi chài (nam nữ), bơi bộ (nam nữ), múa, hát bội. Phần lời là ngôn ngữ dân gian. Phần nhạc có trống, kèn, đờn cò, gậy gõ... Ngoài ra còn có vật võ và một số hoạt động vui chới khác... Lễ vật dâng cúng thần linh bao gồm: nhang hoa, xôi, chè, chuối, thịt heo, thịt gà...
Lễ hội còn thể hiện một điều có ý nghĩa cơ bản là: cư dân muốn thể hiện tín ngưỡng của mình trong quan niệm trời - đất - sông - biển... qua các vị thần quanh vùng: thần biển, thần đầm (Nam đại hải vương), thần sông (hà bá) cùng hệ thống thuỷ thần, hải thần (hội đồng). Người ta làm các bài văn tế (do thần văn đọc) biểu thị sự tin tưởng ngưỡng mộ tự nhiên (trời - đất - gió - mưa)... cầu cho gió yên, biển lặng, cá tôm nhiều, cầu cho con người được an toàn khi làm nghề.
Theo diễn trình phát triển của lịch sử, lễ hội đầm Ô Loan được bổ sung nhiều hoạt động mới; mặc dù vẫn gắn liền với hoạt động lao động sản xuất, với tính dân tộc, tính truyền thống, tính dân dã, song đã mang thêm màu sắc hiện đại đáp ứng yêu cầu và mục đích của cuộc sống. Và tuỳ theo hoàn cảnh của từng năm mà việc tổ chức lễ hội có quy mô khác nhau.
Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, dân tộc độc lập, nét đẹp của lễ hội mùa xuân lại về với người dân Phú Yên. Hàng năm, ở huyện Tuy An tổ chức lễ hội, có bổ sung thêm nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ phong phú sinh động, hấp dẫn, thi đua thuyền, thi bóng nước, bóng đá, về đêm biểu diễn thơ, ca nhạc, hát bội... mà người biểu diễn là các nghệ nhân thôn dã quanh vùng.
Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia ngày 27/9/1996. Vì vậy, việc bảo vệ và giữ gìn một đầm Ô Loan trong xanh, thơ mộng và sạch đẹp đã và đang được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh bảo vệ, tỉnh nhà cần quan tâm đến việc qui hoạch, đầu tư, phát triển trên khu vực đầm Ô Loan. Hiện nay đã có rất nhiều việc làm cụ thể mang lại hiệu quả như: kiên quyết không cho phát triển thêm ao đìa nuôi tôm sú, ven đầm sông rừng ngập mặn để tạo cảnh quan, giúp cho các loài thủy sản sinh sản và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản tại đây.
Đầm Ô Loan đã để lại trong lòng mọi người một hình ảnh đẹp mỗi khi đến đây. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh đầm Ô Loan để đầm Ô Loan mãi là hình ảnh đẹp trong lòng mỗi du khách đến Phú Yên. Ô Loan mãi mãi là phong cảnh non xanh nước biếc của vùng đất Phú Yên mà thiên nhiên đã ban tặng.
Về Đầu Trang Go down
http://yume.vn/sissy_kiss
 
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở PY - Đầm Ô Loan
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» minh dag hoc lop 9, viet bai van so 1, tui muon thuyet minh ve con trau, co ban nao giup ko?
» Danh sách các mems trong tổ 3 nè!
» ai mun' bit' minh` ra doi` ra sao thj` zo coi
» ▓(¯♥ßiệ† danh 1000 năm trước nì.. mại dzô...mại dzô♥¯)▓
» Chùm ảnh nhộn

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Let's go to 9A :: Club học tập :: Club Ngữ Văn-
Chuyển đến